Tại Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây, nấm ăn và nấm dược liệu đã nhận được quan tâm đầu tư phát triển từ Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương. Có hàng ngàn doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại sản xuất nấm được hình thành và phát triển trong thời gian qua. Đặc biệt từ năm 2012, nấm ăn và nấm dược liệu được đưa vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, đã triển khai giai đoạn 1 (2013 -2020) và đang xây dựng giai đoạn 2 (2021-2030). Tuy nhiên trong quá trình xây dựng và phát triển, ngoài những mặt tích cực (chọn tạo được một số giống nấm mới; đầu tư mô hình điểm sản xuất theo quy mô công nghiệp; phát triển thị trường;...), ngành nấm đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản, có kiến thức thực tiễn và tư duy khoa học. Để đón đầu xu hướng thị trường lao động chất lượng cao, từ năm 2015 Khoa Công nghệ sinh học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong cả nước đã mở chương trình đào tạo Công nghệ Sinh học (CNSH) nấm ăn, nấm dược liệu theo định hướng nghề nghiệp (POHE) với số lượng từ 30 đến 50 sinh viên/năm. Chương trình được xây dựng dựa trên nền tảng ứng dụng CNSH trong chọn tạo giống, nuôi trồng và chế biến nấm ăn và nấm dược liệu. Đến nay, đã có 06 khóa sinh viên được đào tạo chuyên ngành này. Trong đó có 03 khóa sinh viên đã tốt nghiệp (K60CNSHP, K61CNSHP, K62CNSHP) được các Doanh nghiệp sản xuất nấm “săn lùng, tuyển mộ”. Để có được sự thành công ngay từ bước đầu xây dựng và phát triển, có thể kể đến đội ngũ Giảng viên cơ hữu, Thầy/Cô là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực CNSH, Công nghệ sinh học nấm ăn, nấm dược liệu trực tiếp giảng dạy; sự chỉ đạo quyết liệt và ủng hộ của Lãnh đạo Học viện; các phòng, ban chức năng của Học viện, Khoa Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt sự chung tay vào cuộc của các Doanh nghiệp sản xuất nấm Công nghệ cao, các HTX, Trang trại sản xuất nấm...luôn đồng hành với Khoa Công nghệ sinh học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đào tạo thực hành, thực tập tại các cơ sở sản xuất nấm. Chương trình thực tập này đã giúp sinh viên làm quen với môi trường sản xuất công nghệ cao, tổ chức sản xuất, quản trị doanh nghiệp...Đó là nền tảng để các cử nhân CNSH nấm ăn, nấm dược liệu tự tin, chủ động trong công việc khi ra trường. Từ những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ nêu trên, trong năm 2022-2023 Khoa Công nghệ sinh học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam dự kiến tuyển 50 sinh viên vào học chuyên ngành CNSH nấm ăn, nấm dược liệu để từng bước cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các Viện nghiên cứu, Doanh nghiệp, Trung tâm dạy nghề và các doanh nghiệp khởi nghiệp...phát triển trong lĩnh vực nấm ăn, nấm dược liệu. Chúng tôi tin tưởng rằng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục là đơn vị hàng đầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có phát triển ngành nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng bền vững. Sinh viên khoa CNSH thực tập tại nhà máy sản xuất nấm KinoKo - Hà Nội TS. Ngô Xuân Nghiễn hướng dẫn Sinh viên thực hành nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo Sinh viên K62CNSHP thực hiện điều tra thực địa tại Vườn quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ TS. Ngô Xuân Nghiễn cùng TS. Nguyễn Thị Bích Thùy tuyển chọn một số chủng nấm Đông trùng hạ thảo (Codyceps militaris) thu thập trong nước và nhập khẩu ThS Trần Đông Anh định loại, đánh giá một số nguồn gene nấm mới Thông tin về chương trình đào tạo Công nghệ sinh học Nấm ăn và nấm dược liệu (POHE) có thể xem chi tiết tại website: https://www.vnua.edu.vn/dao-tao/chuong-trinh-dao-tao/view.html?cid=4854&tab=4854